Ngày 14/12/2023, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2023 và Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2023.
Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh các công ty Du lịch – Khách sạn có khả năng chống chịu tốt, nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, vươn lên trong bối cảnh mới và đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và các nhà đầu tư.
Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2023 và Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2023 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên ba tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính từ năm 2022 đến nay; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-12/2023.
Danh sách 1: Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2023, tháng 12/2023
Danh sách 2: Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2023, tháng 12/2023
Ngành Du lịch – Khách sạn 2023: Năm “bùng nổ” thị trường khách du lịch
Điểm nổi bật trong năm 2023 là sự bùng nổ của thị trường khách nội địa và quốc tế, trong đó thị trường khách quốc tế ước tính chỉ trong 11 tháng đầu năm đã đạt 11,2 triệu lượt khách. Như vậy, dù còn tới 1 tháng nữa mới kết thúc năm nhưng ngành Du lịch Việt Nam đã chính thức vượt xa mục tiêu lần 1 và đạt trên 85% mục tiêu mới. Chính sách thị thực (visa) thông thoáng tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng hơn. Đây là một trong những lý do khiến ba tháng gần đây khách nước ngoài đến Việt Nam liên tục tăng. Trong bối cảnh ngành Du lịch đang nỗ lực phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam đón nhận “cơn mưa” giải thưởng tại Lễ trao giải World Travel Awards 2023, được kỳ vọng là cơ hội vàng để quảng bá du lịch Việt Nam ra toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Theo các báo cáo của thế giới, dòng khách quốc tế có xu hướng thay đổi điểm đến rõ rệt khi tình hình thế giới trong năm có nhiều biến động như xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế ở các thị trường du lịch chính như Mỹ và châu Âu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được xem là đích đến an toàn với giá cả phù hợp. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá xếp hạng cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần các phân khúc khách du lịch.
Hình 1: Số lượng khách quốc tế và khách nội địa thống kê theo từng tháng năm 2023
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường khách quốc tế, thị trường du lịch nội địa cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi 11 tháng đầu năm khách nội địa đạt 103,2 triệu lượt, vượt qua con số cả năm 2019. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng qua ước đạt 616,0 nghìn tỷ đồng. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 34,0 nghìn tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia du lịch, mức tăng trưởng này đạt được nhờ nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cùng với đó, trong thời gian vừa qua cũng diễn ra nhiều sự kiện nổi bật giúp thu hút lượng du khách lớn. Ngoài những kỳ nghỉ dài ngày như 30/4-1/5, Quốc khánh 2/9, thì còn có nhiều hoạt động sôi nổi ở các địa phương như Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17; Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023; Kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa; Lễ hội Thành Tuyên 2023; Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn… Để kích cầu du lịch, công ty du lịch, ứng dụng du lịch và cả nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tiếp cũng liên tiếp tung ra chương trình giảm giá, khuyến mại nhằm tái tạo lại thói quen đi du lịch của khách. Theo khảo sát của Vietnam Report, 78,6% số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng lên so với năm 2022, trong đó, 14,3% doanh nghiệp có mức tăng đáng kể. Đối với chỉ tiêu về lợi nhuận, 71,4% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng, trong đó, nhóm khách sạn có mức tăng trưởng về lợi nhuận cao hơn với 85,7% doanh nghiệp ghi nhận.
Hình 2: Công suất và giá thuê trung bình của khách sạn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo ngành Bất động sản của Savills
Sự tăng trưởng của thị trường khách du lịch tạo ra những tác động tích cực tới Khách sạn. Thị trường này đã bước đầu hồi phục so với giai đoạn COVID-19, cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều cho thấy sự tăng trưởng so với năm 2022 ở công suất và giá phòng. Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung 15.641 phòng, công suất phòng đạt trung bình 58% với mức giá 1,9 triệu VNĐ/phòng/đêm. Đối với thị trường Hà Nội, nguồn cung đạt 10.962 phòng, công suất phòng ở mức 61% với giá 2,7 triệu VNĐ/phòng/đêm, tăng 22% theo năm, mức giá này đã vượt mức giá của năm 2019 (chỉ với 2,5 triệu VNĐ/phòng/đêm). Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 71,4% khách sạn cho biết tổng số lượt khách phục vụ tăng trên 100% so với năm 2022, cho thấy khả năng hồi phục mạnh mẽ của thị trường khách sạn tại Việt Nam
Triển vọng ngành Du lịch – Khách sạn năm 2024
Ngành Du lịch Việt Nam phấn đấu đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế trong tháng cuối cùng của năm 2023 và cả năm sẽ đạt mục tiêu đón 12,5-13 triệu lượt khách. Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2024, ngành Du lịch hoàn toàn có thể thực hiện được con số 14-15 triệu lượt khách nếu không có vấn đề bất ngờ phát sinh. Kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn của Vietnam Report cũng có kết quả tương đồng với dự báo của các chuyên gia khi có đến 66,7% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành Du lịch năm 2024 sẽ khả quan hơn một chút. Trong đó, chỉ tiêu về doanh thu là chỉ tiêu được các doanh nghiệp kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh nhất với 92,9% doanh nghiệp kỳ vọng chỉ tiêu này sẽ tăng trong năm 2024; theo sau là lợi nhuận và lượt khách với 85,7%. Sự tự tin này của các doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở bởi từ ngày 15/8/2023, chính sách visa mới cho phép cấp visa điện tử (e-visa) cho du khách từ tất cả quốc gia và cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày. Sau khi chính sách có hiệu lực đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp. Và không nằm ngoài sự kỳ vọng, chính sách nới lỏng visa thật sự đã mang lại cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam khi 4 tháng liên tiếp số lượng khách quốc tế đến đạt trên 1 triệu người, vượt xa kế hoạch ban đầu. Đến năm 2024, chính sách này tiếp tục được 92,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report coi là “đòn bẩy” chính giúp du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Trong năm 2023, các hội chợ du lịch quốc tế như VITM Hà Nội 2023, ITE HCMC 2023… được giới chuyên môn và doanh nghiệp đánh giá cao. Đại diện nhiều doanh nghiệp đánh giá, các hội chợ, triển lãm du lịch là cơ hội tốt để tìm kiếm thị trường mới, thiết lập quan hệ cũng như nắm bắt các xu hướng du lịch của các quốc gia trong khu vực và thế giới. Tiếp đà tăng trưởng này, chương trình xúc tiến, hội chợ triển lãm quảng bá du lịch Việt Nam được tổ chức trong năm 2024 tiếp tục được 57,1% doanh nghiệp coi là cơ hội trong năm 2024.
Hình 3: Top 3 cơ hội của doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn trong năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn, tháng 10-12/2023
Xu hướng du lịch năm 2024
Du lịch bền vững lên ngôi
Du lịch bền vững là vấn đề đang được nói đến rất nhiều tại Việt Nam và cũng đang trên đà tăng trưởng. Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng về xu hướng du lịch 2023 của Vietnam Report, có đến 96,7% người trả lời đã từng nghe về du lịch bền vững, con số này cao hơn hẳn năm 2022 với 75,3%. Trong 11 tháng đầu năm 2023, số lượt tìm kiếm của hai điểm đến Ninh Bình và Hội An đã tăng đột biến so với năm 2022. Những điểm đến này được ưa chuộng vì vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa, chỗ ở thân thiện với môi trường, trải nghiệm hòa mình với người dân bản xứ và sự hỗ trợ các sáng kiến bền vững, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với trải nghiệm du lịch xanh. Dù có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn trong năm 2024, nhưng du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ để giảm những ảnh hưởng có hại đến thiên nhiên, di sản văn hóa địa phương. Đáng chú ý, có đến 78,7% du khách sẵn sàng chi trả thêm cho dịch vụ lưu trú, 75,4% cho dịch vụ tham quan và 73,8% cho dịch vụ ăn uống. Trong đó, du khách đặc biệt quan tâm đến các cơ sở lưu trú được cấp nhãn Du lịch bền vững Bông Sen Xanh, các cơ sở lưu trú có các chương trình hay quỹ liên quan đến trách nhiệm xã hội cũng nhận được lượng đặt phòng tăng vọt trong năm. Nhận thấy du khách Việt có cách nhìn nhận tích cực, có ý thức phát triển du lịch bền vững, các khách sạn trong nước tích cực đưa ra các chính sách bảo vệ, duy trì vùng biển, bãi cát và cảnh quan tự nhiên. Nhiều khách sạn đã sử dụng hệ thống xử lý nước thải, rác thải đảm bảo chất lượng, kiểm soát thức ăn thừa, sử dụng chất tẩy hữu cơ từ bồ hòn,… Cộng đồng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tham gia tích cực vào xu hướng du lịch bền vững này khi ngày càng có nhiều du khách quốc tế quan tâm và lựa chọn những hoạt động du lịch ngoài trời tại Việt Nam như: Đi bộ, leo núi, bơi lội…, qua đó, kết hợp giữa thưởng thức thiên nhiên và nâng cao sức khỏe, góp phần giảm những tác động có hại đến tài nguyên thiên nhiên.
Du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp – “mỏ vàng” chưa được khai thác
Theo Business Insider, nền kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu được dự báo sẽ đạt 6.000 tỷ USD trong năm nay. Còn Grand View Research nhận định, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness tourism) toàn cầu dự kiến vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong vòng 8 năm tới. Kết quả khảo sát của Global Wellness Institute (Viện Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Yale -Mỹ) cho thấy, có đến 76% người được hỏi muốn chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% sẵn sàng trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý. Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển mạnh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, bởi sở hữu bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Ngoài ra, ngành địa chất đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng có tác dụng chữa bệnh, điều hòa cơ thể. Đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch suối khoáng nóng. Trong đó, nhiều khu nghỉ dưỡng cung cấp các lớp thiền định, yoga chữa lành, hội thảo giảm căng thẳng và thậm chí cả tư vấn liệu pháp giấc ngủ. Việc kết hợp các lựa chọn thực phẩm lành mạnh và có nguồn gốc địa phương đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều khách sạn vì khách hàng ngày càng có ý thức hơn về lựa chọn chế độ ăn uống của mình.
Du lịch MICE (Meetings, Incentives, Conferences, Exhibitions) – loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo với tham quan, nghỉ dưỡng…
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch MICE là loại hình du lịch rất phổ biến trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Singapore là nước đi đầu về loại hình du lịch này. Trong khi đó, ở Việt Nam loại hình du lịch này còn khá mới, tuy nhiên đang được chú trọng phát triển và có nhiều tiềm năng mang về nguồn thu lớn cho toàn ngành. Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho rằng du lịch MICE sẽ trở thành xu hướng của năm 2024. Theo số liệu thống kê ước tính từ doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch trong nước, khách MICE chiếm khoảng từ 15 – 20% tổng lượng khách và có thời điểm lên đến 60% đối với một số đơn vị du lịch lớn trong giai đoạn cao điểm. Có khoảng 20% khách MICE đến từ thị trường châu Âu, đây chính là dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu lớn, từ 700 – 1.000 USD/ngày. Trong khi đó, dòng khách MICE đến từ thị trường châu Á chi tiêu khoảng 400 USD/ngày. Đây là số tiền chi trả cao, khi trung bình chi tiêu của một khách du lịch đến Việt Nam trong 9 ngày là 1.200 USD. Những năm gần đây, tại nhiều địa phương, cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch đã được quan tâm và có sự đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch phức hợp phục vụ nhu cầu đa dạng của khách MICE. Ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… là những địa điểm tổ chức du lịch MICE được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Du lịch trải nghiệm, mạo hiểm
Ngành Du lịch đang trên đà phục hồi sau đại dịch, trong đó mô hình du lịch mạo hiểm có sự tăng trưởng mạnh về lượng khách nội địa. Trả lời phỏng vấn của Vietnam Report, các chuyên gia trong ngành chia sẻ rằng khi du khách đã đi hết về chiều rộng, họ sẽ có xu hướng đi về chiều sâu. Có thể lý giải câu nói này như sau: du khách đã đi hết 63 tỉnh thành của Việt Nam nên nhu cầu của họ sẽ thay đổi theo hướng tìm hiểu, trải nghiệm sâu hơn về văn hóa, ẩm thực và đời sống của địa điểm du lịch đó. Trải nghiệm ở đây có thể hiểu là du khách muốn tương tác nhiều hơn với điểm đến, tìm hiểu sâu hơn về hệ sinh thái, thảm thực vật; kết nối và tương tác với cộng đồng người dân địa phương nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường, các công ty du lịch đang phối hợp chặt chẽ với ban quản lý điểm đến để tạo ra các sản phẩm du lịch trekking, mạo hiểm mới. Ngoài ra, các công ty du lịch đang nỗ lực tiếp cận theo chiến lược của Thomas Cook để tạo ra các tour du lịch mạo hiểm thám hiểm các vùng đất mới mà các doanh nghiệp khác khó có thể làm theo được, từ đó gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình.
Chiến lược trọng tâm dưới góc nhìn của doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn
Khảo sát doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn của Vietnam Report ghi nhận 5 chiến lược trọng tâm trong ngắn hạn bao gồm (1) Tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp thị bán hàng; (2) Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing trên Facebook, Website…; (3) Tăng cường quản lý rủi ro; (4) Khai thác thị trường du lịch nước ngoài và (5) Cải thiện cơ cấu chi phí.
Trong đó, Tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp thị bán hàng giữ vị trí đầu tiên với 64,3%. Hiện nay công nghệ được ứng dụng trong lưu trữ thông tin khách hàng qua hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) giúp doanh nghiệp có thể truy xuất dữ liệu, đặc điểm tiêu dùng và mua sắm cũng như lưu ý từ những lần sử dụng dịch vụ trước. Từ đó thiết kế và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, sở thích và chi tiêu của khách hàng, đem lại sự hài lòng cho khách. Không chỉ ứng dụng CRM, để tăng tương tác và giảm thời gian chờ đợi của khách hàng, nhiều doanh nghiệp Du lịch – Khách sạn đều sử dụng công nghệ chatbot trên website, Facebook…, trong đó nhóm doanh nghiệp Khách sạn có tỷ lệ cao hơn.
Đặc biệt, đối với khách sạn, để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, hiện nay đã có một số khách sạn thử nghiệm ứng dụng IoT vào hệ thống phòng nghỉ tự động để giảm mức tiêu thụ năng lượng bằng cách điều chỉnh lại các thiết bị tiêu hao điện khi xác định khách không có trong phòng. Đồng thời, hệ thống này cho phép cá nhân hóa trải nghiệm cho từng khách hàng thông qua việc cài đặt các thiết bị thông minh trong phòng khách sạn, tùy chỉnh theo từng khách hàng cụ thể. Bao gồm việc điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ thông minh và cài đặt các kênh TV ưa thích.
Hình 4: Chiến lược trọng tâm dưới góc nhìn của doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn, tháng 10-12/2023
Những thay đổi về chính sách visa theo hướng thông thoáng hơn cùng sự tăng trưởng về lượng khách trong nước và quốc tế thời gian gần đây đã thắp lên những tín hiệu vui cho việc phục hồi du lịch Việt Nam. Song vẫn còn đó thách thức về “khoảng trống” nhân lực sau đại dịch COVID-19. Dịch COVID-19 kéo dài hơn ba năm qua với những diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy nghiêm trọng chuỗi liên kết trong ngành, tác động tiêu cực tới nhân lực ngành Du lịch – Khách sạn. Tình trạng dịch chuyển lao động, “chảy máu” nhân lực Du lịch – Khách sạn sang các ngành khác diễn ra mạnh mẽ không chỉ trong đại dịch mà còn sau đại dịch, do tâm lý của người lao động vẫn e ngại về tính bấp bênh, phụ thuộc của ngành vào những cú sốc tác động lớn từ bên ngoài. Trong khi đó, nhiều lao động chuyển ngành đã tìm được công việc mới ổn định, nên cũng không muốn quay trở lại. Điều này khiến doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn đối mặt với thách thức rất lớn trong việc phục hồi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn ngành đang hồi phục mạnh mẽ. Để khắc phục khó khăn này, các doanh nghiệp trong ngành đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt như mức lương thưởng phù hợp, xây dựng lộ trình nghề nghiệp và tạo ra môi trường làm việc thân thiện để giữ chân nhân lực cũ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tích cực tham gia các ngày hội tuyển dụng của các trường có chuyên ngành Du lịch – Khách sạn để “nhắm” trước cho mình những lứa nhân sự kế cận trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp triển khai các buổi workshop trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng giữa bộ phận nhân viên nòng cốt và nhân viên mới, giúp nhân viên mới sớm nâng cao trình độ và hòa nhập vào công việc.
Đánh giá hoạt động truyền thông của ngành Du lịch – Khách sạn
Nền tảng truyền thông và mạng xã hội đã trở thành công cụ mạnh mẽ trong việc định hình sở thích của khách và thúc đẩy đặt tour, đặt phòng trong ngành Du lịch – Khách sạn. Tương tác trên mạng xã hội cho phép khách khám phá các khách sạn, nhà hàng và điểm đến mới. Nội dung do người dùng tạo ra được chia sẻ trên các nền tảng như Instagram và TripAdvisor ảnh hưởng lớn đến quá trình ra quyết định của khách du lịch. Các khách sạn có thể tận dụng mối quan hệ đối tác có ảnh hưởng để giới thiệu những trải nghiệm độc đáo, thu hút khách tiềm năng bằng những đề xuất xác thực.
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, hình ảnh và uy tín doanh nghiệp đã vươn lên trở thành yếu tố bên trong quan trọng thứ hai ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn trong giai đoạn phục hồi tiếp theo. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh đánh giá của khách hàng và đối tác, hình ảnh doanh nghiệp trên báo chí và các phương tiện truyền thông chính là một tấm gương phản ánh chân thực nhất về uy tín doanh nghiệp. Kết quả phân tích truyền thông giai đoạn 10/2022-09/2023 của Vietnam Report trên một số trang thông tin, tài chính có lượng lớn độc giả truy cập hàng ngày cho thấy, tần suất xuất hiện của các doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn còn khá khiêm tốn so với các ngành khác khi chỉ có 53,3% số khách sạn đạt ngưỡng nhận diện trên truyền thông, trong khi đó số công ty du lịch đạt ngưỡng ít hơn hẳn chỉ với 27,3%. Số liệu này phản ánh đúng thực trạng đó là các doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn rất ít xuất hiện trước truyền thông và thiếu chủ động trong các hoạt động truyền thông. Chính vì lý do này nên tình trạng làm giả website hay fanpage của các công ty du lịch – khách sạn uy tín, thậm chí làm giả cả biên lai, hóa đơn thanh toán để lừa đảo mua tour du lịch, mua combo phòng giá rẻ vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là trong những tháng cao điểm du lịch. Để củng cố hình ảnh và uy tín, các doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn cần xuất hiện với tần suất nhiều hơn trên truyền thông, cập nhật giá và các chương trình khuyến mãi để người tiêu dùng có thể nắm bắt và hiểu rõ về thị trường từ đó giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo của các đối tượng khác.
Hình 5: Tỷ lệ số doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn đạt ngưỡng nhận diện trên truyền thông
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn từ tháng 10/2022 – 09/2023
Đối với các doanh nghiệp đã có sự nhận diện trên truyền thông, việc đa dạng hóa thông tin sẽ giúp hình ảnh của doanh nghiệp thân thiện và cởi mở hơn. Hiện nay đa phần thông tin về doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn chỉ xoay quanh các chủ đề: Sản phẩm (23,6%); Giá (18,6%); Hình ảnh/PR/Scandals (18,3%); Tài chính, kết quả kinh doanh (8,9%) và Khách hàng/ Quan hệ khách hàng (8,7%). Cơ cấu thông tin về các chủ đề khác (trong tổng số 24 nhóm chủ đề bao phủ) không nhiều, đều chiếm tỷ lệ dưới 8,0%.
Hình 6: Top 5 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông giai đoạn 2019-2023
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn từ tháng 10/2019 – 09/2023
Trong đó nổi lên là nhóm chủ đề Sản phẩm có sự gia tăng mạnh trong thời gian qua (+8,1%). Năm 2023 là năm đánh dấu sự trở lại sau 2 năm “vắng bóng”, các doanh nghiệp du lịch đã tích cực triển khai các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, sáng tạo nhằm chiếm lĩnh thị trường. Trái ngược với xu hướng tăng lên của 4 nhóm chủ đề trong năm 2023, nhóm chủ đề Tài chính/ Kết quả kinh doanh lại cho thấy sự giảm sút rõ rệt so với năm trước đó. Đáng chú ý, tỷ lệ tin tiêu cực cũng có xu hướng gia tăng ở nhóm chủ đề này, nguyên nhân là do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, xung đột địa chính trị nên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn chưa thật sự hồi phục gây ảnh hưởng đến chất lượng thông tin về Tài chính/ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Bước ngoặt lớn từ chính sách “nới lỏng” thị thực
Hình 7: Top 7 kiến nghị của doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn, tháng 10-12/2023
Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài 3200km, với hệ sinh thái động – thực vật tự nhiên phong phú. Không chỉ vậy, nước ta còn sở hữu 28 di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO ghi danh, hơn 40 nghìn di tích được kiểm kê cùng gần 63 nghìn di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Dẫu vậy hoạt động Du lịch – Khách sạn trong nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. “Muốn gỡ dây phải tìm người buộc dây”, để du lịch Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ, trở thành tâm điểm của du lịch Đông Nam Á đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp cũng như những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 7 kiến nghị của doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn đã được chỉ ra, trong đó, dẫn đầu là kiến nghị về Tiếp tục hoàn thiện chính sách nhập cảnh, xuất cảnh cho khách du lịch quốc tế và mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực được 92,9% doanh nghiệp lựa chọn. Thị thực (Visa) chính là cánh cửa đầu tiên để thu hút khách quốc tế ghé thăm, tuy nhiên “cánh cửa” của du lịch Việt Nam vẫn còn quá nhỏ và chưa đủ hấp dẫn để có thể thu hút được nhiều du khách ghé thăm. Qua trao đổi với chuyên gia trong ngành, chính sách visa và những thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam. Thêm vào đó, số quốc gia được miễn thị thực tại Việt Nam còn quá ít so với các trung tâm du lịch phát triển trong khu vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi tăng số lượng quốc gia được miễn visa có thể kéo hàng triệu khách du lịch đến khám phá “đất nước hình chữ S”.
Trong bối cảnh ngành Du lịch trên toàn thế giới đang sắp xếp lại trật tự, hành vi người tiêu dùng thay đổi rõ rệt, nếu Việt Nam có thể gây ấn tượng với du khách trong thời gian này, chúng ta sẽ nắm lợi thế trong tương lai. Năm 2022, Việt Nam đã thành công trong việc quảng bá du lịch đến với du khách trong khu vực và trên thế giới khi tổ chức thành công SEA Games 31. Đây được coi là sự kiện đánh dấu sự trở lại của du lịch Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và đã nhận được những kết quả tích cực. Trong đó, lượng khách du lịch quốc tế cũng như nội địa tăng vọt trong thời gian Đại hội diễn ra. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức nhiều giải đấu quốc tế như Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup, Giải bóng chuyền các Câu lạc bộ nữ châu Á… đã giúp quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Qua đó, có thể thấy rõ tầm quan trọng của các sự kiện thể thao, văn hóa đối với toàn ngành Du lịch. Hiểu rõ được tầm quan trọng đó, 85,7% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát của Vietnam Report đã lựa chọn Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, lễ hội và hội chợ triển lãm du lịch là kiến nghị quan trọng thứ hai.
Theo thống kê từ World Data, tỷ lệ tăng trưởng số lượng khách tới Việt Nam đã vượt qua Indonesia để vươn lên top 4 ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong khi các nước về cơ bản giữ được doanh thu bình quân trên 1 khách thì Việt Nam lại trên đà giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6. Lý giải cho nguyên nhân này là do Việt Nam còn nhiều hạn chế về du lịch mua sắm, khi mới chỉ chú trọng đầu tư xây dựng các cơ sở bán đặc sản địa phương nhưng lại thiếu vắng các trung tâm mua sắm miễn thuế (duty free). Việc mở cửa hàng miễn thuế (factory Outlet) trong khu phi thuế quan đem lại 2 lợi ích chính. Lợi ích thứ nhất là thu hút lượng khách lớn từ các quốc gia châu Á đến mua sắm, thay vì phải chi trả chi phí cao hơn để sang Châu Âu, Châu Mỹ mua sắm, họ có thể có một điểm mua sắm hấp dẫn với khoảng cách địa lý gần. Lợi ích thứ hai là góp phần giảm thiểu việc “chảy máu” ngoại tệ khi du khách Việt Nam giảm nhu cầu sang các nước khác mua sắm. Ý kiến này cũng nhận được sự ủng hộ của 57,1% doanh nghiệp Du lịch – Khách sạn của Vietnam Report.
“Thắp sáng” du lịch đêm để giữ chân du khách
Lấy văn hóa làm gốc, Việt Nam đã chuyển mình không ngủ, đánh thức các di tích bước vào ngành kinh tế đêm bằng những điểm sáng trong lĩnh vực du lịch. Hiện nay, khi tìm kiếm từ khóa “du lịch đêm” sẽ có 133 triệu kết quả được trả về. Đây thực sự là một con số rất đáng kinh ngạc nhưng lại không khó hiểu bởi tại một số thành phố lớn trên thế giới, kinh tế đêm được đánh giá là một chỉ số quan trọng phản ánh sức sống của một nền kinh tế. Tại Pháp, du lịch đêm đã tạo ra 157 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị ngành Du lịch. Còn tại nước láng giềng Thái Lan, du lịch đêm tạo ra gần 63 tỷ USD chiếm 11% tổng giá trị ngành Du lịch. Mặc dù, xuất phát muộn hơn, Việt Nam được dự báo có thể gấp đôi lợi thế nhờ sở hữu một kho tàng văn hóa với các di tích độc đáo bên cạnh các sản phẩm dịch vụ thông thường.
Với vị thế Thủ đô của cả nước, thời gian qua, Hà Nội đang là địa phương đi đầu trong phát triển sản phẩm du lịch đêm. Mới đây, 15 sản phẩm du lịch đêm Hà Nội đã được Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu đến người dân và du khách. Ngoài Hà Nội, 11 tỉnh thành phố khác sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đề án phát triển du lịch đêm cũng đang nỗ lực nghiên cứu để sớm xác định và phát triển sản phẩm du lịch đêm rộng rãi với mục tiêu phấn đấu có ít nhất một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.Việc phát triển các sản phẩm du lịch đêm sẽ gia tăng thêm trải nghiệm cũng như chi tiêu của khách du lịch.
Để phát triển được du lịch đêm cần sự bắt tay chặt chẽ giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, giữa người dân và cộng đồng để tạo thành một hệ sinh thái kinh tế đêm bền vững. Gần đây, các tỉnh/thành phố trọng điểm về du lịch đã và đang có kế hoạch phát triển phố chuyên kinh doanh ẩm thực về đêm nhằm thu hút khách du lịch. Chợ đêm và phố đi bộ đang được xem là sản phẩm phù hợp với môi trường, địa phương và thói quen mua sắm của du khách. Tuy nhiên, do thiếu các chính sách đặc thù về quy hoạch và phát triển, chợ đêm hay các khu phố đi bộ của một số địa phương chưa thực sự ấn tượng, đa phần vẫn chỉ phát triển ở quy mô trung bình và nhỏ, chưa có sự kết nối với các dịch vụ khác để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách. Do đó, để du lịch đêm không chỉ là một sự kiện mà trở thành một điểm tựa hỗ trợ phát triển kinh tế trong cả nước, điều quan trọng nhất là cơ chế chính sách phù hợp. Chính phủ cần sớm ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm. Thêm vào đó, các chính sách nhằm siết chặt an ninh tại những địa điểm du lịch về đêm nhằm đảm bảo an toàn cho du khách cũng cần được chính phủ nghiên cứu bổ sung. Để có thể dễ dàng kiểm soát, quản lý an ninh tại các điểm đến, có thể nghiên cứu sử dụng giải pháp khoanh vùng địa điểm du lịch giải trí về đêm. Giải pháp này cũng sẽ giúp hạn chế tiếng ồn đến khu vực dân cư lân cận.
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Du lịch & Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2023 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Logistics…
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Việt Nam. Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết đăng tải trên các đầu báo có ảnh hưởng về các doanh nghiệp ngành Du lịch và Vận tải hành khách (từ tháng 10/2020-9/2022). Các bài báo được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường… tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5). Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó. |
Vietnam Report