Ngày 12/6/2023, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2023.
Uy tín của các Công ty Công nghệ được đánh giá một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media Coding, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 5-6/2023. Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2023 được công bố theo 02 danh sách: Top 10 Công ty Công nghệ thông tin – Viễn thông uy tín và Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2023.
Danh sách 1: Top 10 Công ty Công nghệ thông tin – Viễn thông uy tín năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2023, tháng 6/2023
Danh sách 2: Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Công nghệ Uy tín năm 2023, tháng 6/2023
Thông tin chi tiết Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2023, vui lòng truy cập website: www.toptenvietnam.vn.
Thị trường Công nghệ thông tin – Viễn thông Việt Nam: Triển vọng, cơ hội, thách thức và những ưu tiên trong chiến lược
Trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức mới nổi và chuyển biến bất ngờ trên các khía cạnh kinh tế vĩ mô toàn cầu, ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông (CNTT-VT) đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7%; trong khi số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 khoảng 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021. Bốn năm kể từ khi thông điệp “Make in Vietnam” chính thức được đưa ra, CNTT-VT đã trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, giữ vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Tỷ lệ đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng – điện tử đều ghi nhận sự gia tăng so với thời điểm năm 2021 (+8,7% và +11,6%). Năm qua cũng đánh dấu sự kiện Việt Nam có tên trong danh sách số ít quốc gia sản xuất được chip trên thế giới và ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mấy lớn nhất nước ta. Một dấu ấn tích cực khác của ngành trong năm 2022 là đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chuyển hướng từ gia công sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bằng việc thiết lập các trung tâm R&D tại Việt Nam. Khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.
Tuy nhiên, giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 chứng kiến các doanh nghiệp trong ngành dần “ngấm đòn” từ sức cầu yếu do rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát. Quý I/2023, doanh thu công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng – điện tử Việt Nam giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng – điện tử ước đạt khoảng 26,6 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ.
Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã gây ra những ảnh hưởng rõ nét đến nền kinh tế nói chung, trong đó có ngành CNTT-VT. Sự giảm tốc này được dự báo sẽ ít nhiều còn ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách đầu tư và chi tiêu cho CNTT-VT của các khách hàng trong năm tới và sẽ có sự phân hóa trong diễn biến của các phân khúc dịch vụ CNTT-VT. Chi tiêu cho các thiết bị phần cứng (PC/ máy tính xách tay/ máy tính bảng) và hạ tầng thông tin doanh nghiệp (máy chủ, DC) sẽ dễ bị ảnh hưởng, do lạm phát đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng và việc trì hoãn các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng tại chỗ đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh bảo vệ dòng tiền và tăng cường chuyển đổi sang ứng dụng Cloud.
Hình 1: Triển vọng ngành CNTT trong 6 tháng cuối năm so với đầu năm
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6 các năm 2020-2023
Kết quả khảo sát do Vietnam Report tiến hành vào tháng 3/2023 chỉ ra CNTT-VT dẫn đầu top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2-3 năm tới với tỷ lệ 63,6% số doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên với kết quả từ quý đầu năm và diễn biến của những cơn gió ngược trên thị trường thế giới, triển vọng tăng trưởng đã thấp đi đáng kể. Theo kết quả khảo sát Vietnam Report thực hiện vào tháng 5-6/2023, tất cả các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đều không có kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành CNTT-VT, 71,4% nhận định sẽ duy trì đà tăng trưởng và 28,6% nhận định sẽ có sự suy giảm đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023.
Khảo sát cũng chỉ ra top 4 khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành đã, đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2023, bao gồm: (1) Tuyển dụng và giữ chân nhân tài; (2) Thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới; (3) Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành; và (4) Hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư.
Hình 2: Top 4 thách thức cản trở hoạt động của doanh nghiệp công nghệ
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2023
Tuyển dụng và giữ chân nhân tài là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành công nghệ dự báo sẽ gặp phải trong năm 2023. Cơ hội từ làn sóng đầu tư của các ông lớn nước ngoài vào Việt Nam cùng với các hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại các cấp Chính phủ, địa phương hay tại các doanh nghiệp truyền thống trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, bán lẻ… khiến nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ hiện nay gia tăng, đặc biệt là nhân sự cho các mảng quan trọng liên quan tới vận hành, giám sát hệ thống. Dự báo từ nay đến năm 2024, Việt Nam thiếu hụt khoảng 150.000 đến 200.000 kỹ sư CNTT mỗi năm. Sự thiếu hụt này có một phần nguyên nhân đến từ chất lượng của đội ngũ lao động, tuy đông nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu khi tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới cũng là một thách thức lớn. Khảo sát các doanh nghiệp công nghệ có trong danh sách cho ra kết quả tất cả các doanh nghiệp đều có hoạt động chuyển đổi công nghệ mới trong năm 2022. Điều này đặt ra vấn đề cho các cơ chế liên quan, hành lang pháp lý đối với những công nghệ mới cần được bổ sung, điều chỉnh hợp lý. Nhưng đến thời điểm hiện tại, các bộ luật, quy định dành cho sản phẩm/ dịch vụ lại chưa đồng bộ, gây ra những khó khăn trong việc đưa sản phẩm đến với người sử dụng, đồng thời làm giảm đi tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra cần lưu ý về vấn đề hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Để tạo ra sức cạnh tranh, doanh nghiệp công nghệ luôn cần phải đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ mới, trong khi thời gian từ khi lên ý tưởng cho đến lúc đưa ra được sản phẩm lại kéo dài, việc tạo ra lợi nhuận ngay là điều khó đối với các doanh nghiệp công nghệ. Bài toán đảm bảo dòng tiền trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế càng khó giải hơn khi nguồn vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm cũng ít đi, các quỹ đổi mới công nghệ có nguồn vốn được cấp còn thấp, thủ tục cho vay và hỗ trợ vốn từ ngân hàng còn vướng phải nhiều chính sách dẫn tới doanh nghiệp công nghệ bị thiệt thòi, tốn nhiều thời gian mới được xử lý. Việc không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mới sẽ khiến quá trình vận hành bị gián đoạn hoặc tạm dừng. Điều này ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ.
Mặc dù có thể gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn, song triển vọng trung và dài hạn của ngành vẫn được đánh giá khả quan. Kết quả khảo sát Vietnam Report chỉ ra 6 động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy thị trường công nghệ Việt Nam năm 2023.
Hình 3: Top 6 động lực thúc đẩy thị trường công nghệ Việt Nam
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2023
Một là, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số từ Chính phủ. Việt Nam là một quốc gia có tinh thần đổi mới sáng tạo cao. Theo báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index – GII) năm 2022, Việt Nam hiện đứng thứ 48 trong số 132 nền kinh tế về năng lực đổi mới sáng tạo, xếp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời, là một trong ba nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất cho đến nay khi tăng hơn 20 bậc trong thập kỷ qua. Chính phủ luôn chú trọng ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của CNTT-VT và coi đây là lực đẩy chủ đạo gắn với sự tiến bộ của nền kinh tế. Các chương trình như chuyển đổi số quốc gia, chiến lược “Make in Vietnam”, chương trình phát triển tài sản trí tuệ và an ninh mạng đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, bộ, ban, ngành, địa phương trên cả nước. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số vươn ra thế giới, cùng động thái đầu tiên là thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài”. Với thuận lợi từ những chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế số, coi đây là mục tiêu được ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia của Chính phủ, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp CNTT-VT, đây thực sự là một cơ hội lớn, là tiền đề hậu thuẫn cộng đồng doanh nghiệp trong ngành duy trì nhịp tăng trưởng đều đặn, phát triển vững mạnh trong thời gian tới.
Hai là, tỷ lệ người dùng Internet và các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ công nghệ ở mức cao so với thế giới. Nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng cao với thị trường nội địa lớn và đa dạng, số lượng người tiêu dùng sử dụng công nghệ số ngày càng tăng, dân số trẻ, nhạy bén với cái mới, số người dùng thiết bị thông minh chiếm tỷ lệ cao. Theo báo cáo Vietnam Digital 2023, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có gần 78 triệu người sử dụng Internet, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người dùng so với tổng dân số ghi nhận tăng trưởng từ mức 73,2% lên 79,1%. Năm vừa qua cũng ghi nhận tỷ lệ người dân thay đổi số lượng thiết bị so với năm trước tăng 3,6%; theo đó, trung bình mỗi người dân sở hữu 1,64 thiết bị so với mức 1,58 thiết bị trong năm trước đó. Tất cả những số liệu trên đều chỉ ra mảnh đất màu mỡ mà các doanh nghiệp trong ngành có thể khai phá, mở rộng cơ sở khách hàng, tạo ra đột phá tăng trưởng và đóng góp vào tiến bộ của nền kinh tế kỹ thuật số.
Ba là, sự dịch chuyển của các ông lớn sản xuất trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Các công ty đa quốc gia có xu thế dịch chuyển hoạt động sản xuất từ những nước có tình trạng bất ổn sang Việt Nam, nắm bắt cơ hội này chúng ta đã thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ quốc tế. Cổ phần của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng được các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài quan tâm. Điều này cũng mở ra các cơ hội hợp tác, cung cấp dịch vụ CNTT lớn cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước.
Để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, với nội tại có được từ xu hướng chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ cần giữ vững mục tiêu phát triển, đưa ra những chiến lược hành động cân bằng, toàn diện xoay quanh các vấn đề công nghệ, quy trình và con người.
Theo khảo sát của Vietnam Report, top 6 chiến lược ưu tiên được thực hiện trong năm 2023 bao gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác (85,7%); Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (71,4%); Tăng cường hoạt động R&D (64,3%); Nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên truyền thông (53,8%); Nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro (51,7%); và Cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (50,0%).
Hình 4: Top 6 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp công nghệ
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6 các năm 2021-2023
Đáng chú ý, trong 6 chiến lược trên, mức độ ưu tiên cho công tác Cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT tăng vượt trội so với năm 2022 (+22,2%). Cơ sở hạ tầng ở đây bao gồm 5 yếu tố: kỹ thuật, dữ liệu, ứng dụng, pháp lý và nhân lực. Ở góc độ vi mô, khi đề cập đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT, doanh nghiệp chỉ tập trung vào yếu tố kỹ thuật. Tuy nhiên, xét trong bức tranh tổng thể, khi Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy Chương trình Quốc gia về Chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số sẽ được hỗ trợ phát triển đồng bộ cả 5 yếu tố. Để tạo nền móng vững chắc cho mọi hoạt động trên môi trường thực – số, cần sự chung tay của nhiều thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp. Chính vì thế, doanh nghiệp nào giành được lợi thế trong việc phát triển hạ tầng CNTT nói chung và hạ tầng số nói riêng sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong dài hạn và đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế số.
Với sự gia tăng của các hình thức và số lượng tấn công mạng qua từng năm cùng tính chất phát triển nhanh và luôn thay đổi của ngành, doanh nghiệp công nghệ phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến sự cạnh tranh, sự đổi mới, sự bảo mật, sự tuân thủ pháp luật và sự hài lòng của khách hàng lớn hơn các ngành khác. Việc ưu tiên quản lý hệ thống, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro, giúp doanh nghiệp nhận diện các rủi ro đang tiềm ẩn, đánh giá mức độ rủi ro, từ đó có thể xây dựng, cải thiện dựa trên kinh nghiệm và phản hồi. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy công tác đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho hệ thống quản trị từ giai đoạn trước đã bước đầu mang lại hiệu quả, theo đó mức độ ưu tiên cho các chiến lược Nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro chỉ tăng nhẹ.
Củng cố, hoàn thiện và phát triển an ninh mạng tạo nền tảng vững chắc cho chuyển đổi số
An ninh mạng là một khía cạnh quan trọng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu – nơi bất kỳ cuộc tấn công mạng nào cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể đến nền kinh tế, an ninh và uy tín của một quốc gia. Theo thống kê từ Kaspersky Security Network, số vụ tấn công trực tuyến tại Việt Nam được phát hiện và ngăn chặn trong năm 2022 là 41.989.163 vụ, giảm 33,8% so với năm 2021, đưa Việt Nam đứng thứ 49 trên toàn thế giới về số lượng các cuộc tấn công trực tuyến vào năm 2022 (giảm 17 bậc so với năm 2020). Số vụ tấn công ngoại tuyến tại Việt Nam năm vừa qua cũng giảm 25,4% so với năm trước đó với tổng số 121,5 triệu mối đe dọa liên quan đến phần mềm độc hại phát tán qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác, theo đó Việt Nam duy trì vị trí thứ 31 trên toàn thế giới về các mối đe dọa ngoại tuyến. Các chuyên gia cho rằng những kết quả tích cực trên có được là do các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng đã đi vào thực tế và phát huy hiệu quả khi hầu hết các hệ thống thông tin quan trọng được đưa vào giám sát và đánh giá bảo mật định kỳ.
Hình 5: Mức độ bảo đảm an toàn an ninh mạng trong hệ thống thông tin của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2023
Về phía doanh nghiệp, 53,9% số doanh nghiệp công nghệ tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết đã triển khai toàn diện hoạt động an ninh mạng, trong đó 46,2% sẽ tăng cường phát triển thêm. Các doanh nghiệp tỏ ra rất tự tin khi đánh giá mức độ đảm bảo an toàn an ninh mạng tại tổ chức của mình tương đối mạnh, trung bình từ 4,3-4,7 trên thang điểm 5. Để bảo vệ hệ thống thông tin trước các cuộc tấn công, các doanh nghiệp cho biết sẽ tăng nguồn lực nhiều nhất các lĩnh vực liên quan tới Tập trung vào quản trị, rủi ro và tuân thủ (84,6%), Nâng cao kỹ năng và tuyển dụng nhân tài an ninh mạng (69,2%), Thêm giải pháp công nghệ an ninh mạng (61,5%), Tập trung vào chiến lược và phối hợp với các nhóm kỹ thuật/ công nghệ vận hành (OT) (46,2%).
Hình 6: Top 5 nguồn lực được tập trung đầu tư để cải thiện tình hình an ninh mạng trong 12 tháng tới
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2023
Tạo dựng uy tín thông qua văn hóa doanh nghiệp
Trong thế giới công nghệ và viễn thông cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam, ưu thế công nghệ dù đóng vai trò vô cùng quan trọng nhưng chưa đủ để đảm bảo tạo nên thành công của doanh nghiệp. Khi công nghệ liên tục thay đổi và có thể ứng dụng ở nhiều tập đoàn khác nhau, điều khác biệt tạo nên thành công lại nằm ở khả năng của doanh nghiệp trong việc điều phối và phân bổ nguồn lực xung quanh tầm nhìn và niềm tin được chia sẻ chung. Nói cách khác, văn hóa doanh nghiệp là một trong những điểm mấu chốt xuyên suốt quá trình vận hành, qua đó góp phần tạo dựng thành công và danh tiếng của doanh nghiệp.
Đây được coi là “tính cách” của một tổ chức, xác định bản sắc tập thể của doanh nghiệp, đề cập đến các giá trị, niềm tin, thái độ và hành vi trong doanh nghiệp, bao gồm các quy tắc, chuẩn mực định hình cách nhân viên tương tác với nhau, cũng như quyết định đến cách đưa ra quyết định và tiến hành kinh doanh. Do đó, theo đuổi các chiến lược DEI (Diversity – đa dạng, Equity – công bằng, Inclusion – hòa nhập) được các doanh nghiệp công nghệ tiến hành để tạo dựng một nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc với 71,4% doanh nghiệp lựa chọn phát triển theo hướng công bằng, tạo cơ hội thăng tiến bình đẳng cho toàn bộ nhân sự là yếu tố ưu tiên hàng đầu; tiếp theo là Phát triển theo hướng hòa nhập và Phát triển theo hướng đa dạng với lần lượt 57,1% và 50,0% doanh nghiệp lựa chọn.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp công nghệ, Thu hút và giữ chân nhân tài (92,9%), Tạo ra môi trường làm việc tích cực (78,6%), Tạo ra một lực lượng lao động gắn kết, nhiệt tình và năng động (78,6%) và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (28,6%) là bốn tác động trực tiếp mà một nền văn hóa doanh nghiệp vững mạnh đem lại. Song song với những cải thiện rõ ràng về hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, văn hóa thống nhất một bản sắc chung, liên kết các giá trị và hành vi, ảnh hưởng đến cách cư xử của nhân viên – yếu tố tác động đến cách nhìn nhận của các bên liên quan về hình ảnh doanh nghiệp. Thông qua việc có môi trường làm việc tích cực, sự gắn kết và ủng hộ của nhân viên đối với doanh nghiệp gia tăng, khiến mỗi nhân viên trở thành một đại sứ thương hiệu, thể hiện uy tín doanh nghiệp thông qua các tương tác của họ với khách hàng, đối tác và cộng đồng. Do đó, các doanh nghiệp công nghệ tham khảo sát của Vietnam Report đưa ra đánh giá thống nhất về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đến tương lai của mình, đặc biệt với vai trò làm công cụ định hình danh tiếng của doanh nghiệp – yếu tố thiết yếu trong môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt hiện nay; đồng thời cho biết sẽ thiết lập và tiếp tục đổi mới từ nội bộ công ty để có nền văn hóa doanh nghiệp tích cực phù hợp với các giá trị và sứ mệnh của họ.
Cùng với văn hóa doanh nghiệp, truyền thông là một trong những kênh quan trọng trong việc xây dựng uy tín đối với doanh nghiệp công nghệ bằng cách tạo dựng hình ảnh tích cực, quản lý thông tin chính xác, tương tác với công chúng và quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Kết quả phân tích truyền thông của Vietnam Report chỉ ra lượng thông tin về các doanh nghiệp công nghệ đã tăng 19% trong năm vừa qua. Những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với các doanh nghiệp công nghệ bao gồm: Hình ảnh/ PR (27,2%); Khách hàng/ Sản phẩm (18,8%); Tài chính/ KQKD (10,2%). Trong đó. nhóm chủ đề Hình ảnh/ PR tiếp tục đứng thứ nhất và có sự gia tăng trong các năm trở lại đây với mức tăng (+8,2%) so với năm 2022, chiến lược tạo dựng hình ảnh đã mang lại sức hút cho các doanh nghiệp trong lòng công chúng thông qua các giải thưởng đạt được từ trong và ngoài nước. Ngoài ra, nhóm chủ đề Tài chính/ KQKD sau một năm ra khỏi top 3 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất thì năm nay đã quay trở lại với nhiều tin về kết quả kinh doanh cũng như những kế hoạch, chiến lược được triển khai trong thời gian tới.
Hình 7: Top 3 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media coding các doanh nghiệp CNTT-VT, từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2023
Độ bao phủ thông tin trên truyền thông cho thấy sự phân hóa rõ ràng khi các doanh nghiệp CNTT-VT vẫn là những doanh nghiệp có lượng thông tin lớn so với các doanh nghiệp Giải pháp phần mềm và Tích hợp hệ thống, nổi bật là Viettel, FPT, VNPT.
Tóm lại, ngành CNTT-VT tại Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng vượt trội trong những năm tới. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm thâm nhập Internet, bảo mật dữ liệu, cơ sở hạ tầng băng thông rộng, thiếu hụt nhân tài hay các mối đe dọa bảo mật…, nhưng vẫn có rất nhiều cơ hội dành cho những doanh nghiệp có thể vượt qua những trở ngại này thành công bằng cách thực hiện các sáng kiến quan trọng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các chương trình phát triển nhân tài, đồng thời lưu tâm đến các xu hướng chính đang tác động đến ngành như trí tuệ nhân tạo, IoT, công nghệ 5G, điện toán đám mây… Song song với đó, doanh nghiệp cần có một chiến lược xây dựng và quản trị thương hiệu hiệu quả kết hợp với bản sắc văn hóa doanh nghiệp để tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, giành được lòng trung thành của khách hàng và nhân viên, từ đó tạo ra thành công bền vững.
Danh sách Top 10 Doanh nghiệp uy tín trên truyền thông là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2012, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm, Bất động sản – Xây dựng, Dược, Công nghệ TT – Viễn thông, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics…
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp công nghệ được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 06/2022 đến tháng 05/2023. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường… tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: Trung lập; Tích cực; Khá tích cực; Không rõ ràng; Khá tiêu cực; Tiêu cực. Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó. Website: www.toptenvietnam.vn |
Vietnam Report