Ngày 26/5/2023, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng VIX50 – Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023.
Đây là kết quả nghiên cứu khách quan, khoa học và độc lập của Vietnam Report, được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.
Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả, tháng 5/2023
Thị trường chứng khoán năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023
Sau giai đoạn thăng hoa 2020-2021, năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chịu sức ép mạnh từ bối cảnh diễn biến địa chính trị, kinh tế vĩ mô bất ổn và chính sách tiền tệ thắt chặt của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, môi trường lãi suất cao, áp lực tỷ giá cùng với sự sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào kênh dẫn vốn này sau loạt vụ án tham nhũng kinh tế, thao túng TTCK. Gam màu tiêu cực bao phủ thị trường kể từ tháng 4 và duy trì gần hết năm 2022. Chỉ số VN-Index đã lao dốc từ mức cao nhất mọi thời đại trên 1.500 điểm thiết lập vào ngày 6/1/2022 xuống mức thấp nhất là 874 điểm vào giữa tháng 11/2022. Tổng mức huy động vốn trên TTCK năm 2022 đạt 351.831 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước. Trên thị trường cổ phiếu, giá cổ phiếu giảm sâu, một số nhóm ngành thậm chí có mức giảm mạnh hơn so với chỉ số VN-Index như: Bất động sản thương mại, chứng khoán, thép… Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lại trầm lắng. Tính cả năm 2022, tổng giá trị TPDN phát hành ước đạt 269.733 tỷ đồng, giảm 64,4% so với 2021. Đặc biệt, trong quý IV, không có trái phiếu phát hành ra công chúng. Kết thúc năm 2022, lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng ở mức khiêm tốn 5,9% so với 2021.
Mặc dù trải qua sự sụt giảm mạnh nhất trong 14 năm trở lại đây, TTCK Việt Nam vẫn có những điểm sáng trong năm qua khi ghi nhận kỷ lục về số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới, mức định giá thị trường ở vùng thấp trong nhiều năm mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư dài hạn, khối ngoại mua ròng mạnh mẽ từ nửa cuối quý IV/2022 đã giúp chỉ số hồi phục và tạo đà tâm lý cho thị trường quý I/2023.
Hình 1: Số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán mở hàng năm và diễn biến chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm
Nguồn: HNX, HSX, VDS
4 tháng đầu năm 2023, TTCK Việt Nam giằng co phân hóa, đan xen tăng, giảm liên tục với tác động mạnh mẽ từ nhiều yếu tố trong và ngoài nước: sự mở cửa trở lại của Trung Quốc, những tin tức về bất ổn trong hệ thống ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, chính sách hỗ trợ cho thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay sự đảo chiều mua ròng – bán ròng của khối ngoại… Tính đến cuối tháng 4, chỉ số VN-Index giảm so với tháng trước, song so với đầu năm, các chỉ số chứng khoán vẫn duy trì tăng trưởng dương. Thanh khoản thị trường khả quan hơn khi chứng kiến mức tăng theo tháng lần đầu tiên trong năm 2023 sau nhiều tháng giảm liên tiếp.
Củng cố uy tín doanh nghiệp giữa biến động
Trạng thái liên tục biến động của nền kinh tế và TTCK đòi hỏi sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tận dụng cơ hội để tăng trưởng của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi niềm tin thị trường ở mức thấp sau những sự kiện trong thời gian gần đây, uy tín và hiệu quả đóng vai trò cốt lõi đối với các doanh nghiệp đại chúng vì quyết định đến niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện khả năng tiếp cận vốn, tác động đến định giá thị trường, mang lại lợi thế cạnh tranh và củng cố mối quan hệ với các bên liên quan. Những yếu tố này cùng nhau đóng góp vào sự thành công, tăng trưởng và bền vững lâu dài của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh và trên TTCK.
Hình 2: Những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng trên thang điểm 5
Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023
Cả 4 yếu tố liên quan đến chỉ tiêu năng lực tài chính: Kết quả kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận…), Hiệu quả kinh doanh (ROE, ROA, ROS…), Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS), Thanh khoản và định giá doanh nghiệp đều góp mặt trong top 7 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng năm nay và đều ghi nhận sự gia tăng mức độ ảnh hưởng, căn cứ theo điểm bình chọn trên thang điểm 5 của các chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng. Đáng chú ý, Chính sách cổ tức đã vươn lên từ vị trí thứ 8 năm ngoái trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn thứ 6 trong năm 2023 (tăng từ 3,77 điểm lên 4,14 điểm). Đây là yếu tố gắn liền với quản trị doanh nghiệp. Tính nhất quán trong việc chi trả cổ tức và tỷ lệ tăng trưởng cổ tức có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả tài chính và sự ổn định của một doanh nghiệp theo thời gian. Doanh nghiệp tuân theo chính sách cổ tức công bằng và minh bạch thể hiện các thông lệ quản trị tốt, phản ánh cam kết đối xử bình đẳng với tất cả các cổ đông và gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của các cổ đông. Điều này định hình uy tín, nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư, dẫn đến tăng niềm tin của nhà đầu tư và có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Từ đó, tác động tích cực đến giá cổ phiếu và vốn hóa thị trường của doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng của Vietnam Report còn chỉ ra rằng các yếu tố liên quan đến công tác truyền thông ghi nhận gia tăng tác động lớn nhất đến mức độ uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp. Cụ thể, tuân thủ quy định công bố thông tin tăng 0,43 điểm; mức độ đa dạng và hiệu quả truyền thông tăng 0,59 điểm. Điều này phản ánh mức độ quan tâm của Chính phủ, truyền thông và công chúng về thị trường tài chính Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đại chúng nói riêng đã tăng lên nhanh chóng với nhiều chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận về các vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường vốn Việt Nam trong năm vừa qua: Đó là giao dịch nội gián, công bố thông tin sai sự thật, những thông tin đồn ảnh hưởng tới biến động của thị trường. Thực tế, những vấn đề này không hề xa lạ mà vẫn luôn tồn tại trên thị trường tài chính Việt Nam các năm qua nhưng vẫn chưa dành được sự quan tâm thích đáng trước đó. Những hiện tượng này bộc lộ nhiều điểm hạn chế của các doanh nghiệp đại chúng hiện nay về mức độ quan tâm và cách họ tiếp cận với vấn đề minh bạch thông tin, qua đó cũng phản ánh chất lượng quản trị doanh nghiệp vẫn chưa cao. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp về việc nâng cao công tác quản trị truyền thông.
Các phương tiện truyền thông có thể có tác động đáng kể đến các doanh nghiệp đại chúng thông qua: giá cổ phiếu, nhận thức của công chúng, mối quan hệ của các bên liên quan và các quyết định chiến lược. Doanh nghiệp đại chúng phải nhận thức được sức mạnh của việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông và thực hiện các bước để quản lý nó một cách chủ động. Điều này có thể liên quan đến việc phát triển các chiến lược quan hệ công chúng mạnh mẽ, giám sát việc đưa tin của phương tiện truyền thông, phản hồi nhanh chóng và hiệu quả các câu hỏi của giới truyền thông cũng như tham gia với các bên liên quan để xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm. Từ đó, doanh nghiệp có thể điều hướng bối cảnh truyền thông phức tạp sẽ có vị trí tốt hơn để đạt được các mục tiêu chiến lược và mang lại giá trị lâu dài cho các bên liên quan. Theo nghiên cứu của Vietnam Report, doanh nghiệp được đánh giá là chủ động về mặt truyền thông (share of voice) nếu có ít nhất 1/3 lượng thông tin về doanh nghiệp trên truyền thông cần được dẫn nguồn từ doanh nghiệp và các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp (thành viên của Ban quản trị/Ban lãnh đạo). Dữ liệu phân tích Media Coding cho thấy trong giai đoạn 4/2022 – 3/2023 yếu tố này đã được cải thiện đáng kể, với 25% số doanh nghiệp trong nghiên cứu của Vietnam Report đáp ứng tỷ lệ, trong khi năm 2022 chỉ có gần 9% số doanh nghiệp và năm 2021 chỉ có khoảng 17% số doanh nghiệp. Đây là một dấu hiệu tích cực trong hoạt động quản trị truyền thông, củng cố thêm uy tín đối với các doanh nghiệp đại chúng.
Dữ liệu phân tích Media Coding trong giai đoạn 4/2022-3/2023 của Vietnam Report cho biết 5 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông của các doanh nghiệp đại chúng không có sự thay đổi so với năm trước, bao gồm: Tài chính/ Kết quả kinh doanh (1); Cổ phiếu (2); Hình ảnh/PR/Scandals (3); Sản phẩm (4) và Quản trị (5). Nhóm chủ đề Hình ảnh/PR/Scandals và Quản trị ghi nhận sự gia tăng so với giai đoạn trước.
Hình 3: Top 5 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding doanh nghiệp Đại chúng tại Việt Nam từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2023
Doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” về chất lượng thông tin trên truyền thông khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Trong giai đoạn nghiên cứu năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp trong nghiên cứu của Vietnam Report đạt được các ngưỡng này thấp hơn hẳn so với các giai đoạn trước đó. Chỉ có 67,4% doanh nghiệp đạt ngưỡng “an toàn” trong khi đó năm 2022 và 2021 tỷ lệ này lần lượt là 87,8% và 91,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp đạt ngưỡng “tốt nhất” thậm chí còn co hẹp lại đáng kể so với 2 năm trước đó, chỉ đạt 54,7% so với mức 79,3% và 82,9%. Nguyên nhân của sự co hẹp tỷ lệ doanh nghiệp đạt hiệu quả về chất lượng thông tin bắt nguồn từ các sai phạm trong hoạt động phát hành TPDN, thị trường bất động sản đóng băng, làn sóng tin đồn thất thiệt… Mặc dù những sai phạm, tin đồn chỉ xảy ra đối với một số nhóm DN nhất định nhưng đã tạo ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nhà đầu tư và công chúng. Nhìn chung toàn thị trường, chênh lệch tỷ lệ tin tích cực và tiêu cực theo tháng đối với nhóm chủ đề Hình ảnh/PR/Scandals có những thời điểm rơi xuống dưới mức an toàn hoặc sụt giảm nghiêm trọng từ mức cao của tháng trước đó, chẳng hạn như tháng 4, tháng 7, tháng 9, tháng 12 của năm 2022. Dễ dàng nhận thấy nỗ lực của doanh nghiệp và thị trường kéo tỷ lệ này về mức an toàn vào những tháng ngay sau đó, cho dù vẫn luôn bị giằng co, tăng giảm liên tục. Cũng cần lưu ý rằng tỷ lệ này có xu hướng giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2023. Dẫu vậy, điểm đáng mừng là giá trị trung bình chênh lệch tỷ lệ tích cực – tiêu cực vẫn luôn được giữ ở ngưỡng tốt nhất (trên 20%) ngay cả trong những giai đoạn thị trường ảm đạm nhất.
Hình 4: Chất lượng thông tin thuộc nhóm chủ đề Hình ảnh/PR/Scandals của doanh nghiệp đại chúng
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding doanh nghiệp Đại chúng tại Việt Nam từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2023
Triển vọng TTCK nửa cuối năm 2023
Sau những diễn biến thăng trầm, TTCK năm 2023 tiếp tục đương đầu với nhiều biến số khó lường. Khi thị trường nhìn chung vẫn khó đoán định với các yếu tố rủi ro từ trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu, đa số doanh nghiệp giữ thái độ không quá lạc quan về triển vọng TTCK 6 tháng cuối năm 2023. Kết quả khảo sát của Vietnam Report tiến hành trong tháng 4-5/2023 cho thấy 55,6% số doanh nghiệp đánh giá thị trường sẽ tăng giảm đan xen trong nửa cuối năm nay trong khi 22,2% số doanh nghiệp nhận định thị trường ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản cầm chừng. Nhiều chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng TTCK có thể vẫn giao động đi ngang trong hai quý đầu và có những tín hiệu để kỳ vọng vào diễn biến tích cực hơn trong nửa sau của năm 2023.
Cũng theo kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp của Vietnam Report, một số yếu tố có thể gây ra những tác động lớn trên TTCK Việt Nam trong năm nay đã được chỉ ra.
Hình 5: Những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến TTCK năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 4-5/2023
Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam. Phục hồi kinh tế thường đi đôi với sự tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp. Khi kinh doanh cải thiện, doanh thu và lợi nhuận của các công ty có thể tăng lên, qua đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, khi triển vọng phục hồi kinh tế tăng, các nhà đầu tư có thể có xu hướng tăng cường đầu tư vào TTCK, từ đó tăng cường thanh khoản và tăng giá cổ phiếu, thị trường vì thế cũng trở nên sôi động hơn. Thêm vào đó, trong quá trình phục hồi kinh tế, Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể áp dụng các chính sách kinh tế và tài chính để thúc đẩy tăng trưởng. Các biện pháp như giảm thuế, nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, và đầu tư công có thể có ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh doanh và giá cổ phiếu trên TTCK. Quan trọng nhất, các dấu hiệu tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế sẽ tăng cường niềm tin nhà đầu tư về triển vọng dài hạn của TTCK. Chính vì thế, 100% số chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng thuận rằng triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam là yếu tố quan trọng nhất tác động tới TTCK năm 2023, trong đó 85,7% cho rằng tác động là tích cực, 14,3% lo ngại việc không đạt được các mục tiêu như kế hoạch sẽ gây ra tác động tiêu cực đến tâm lý chung toàn thị trường. Kinh tế trong nước vẫn trong giai đoạn phục hồi nhưng có biểu hiện giảm tốc. GDP Việt Nam quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ – chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011– 2023. Dù các điều kiện tài chính trong nước đang được nới lỏng, mức tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm yếu do khả năng hấp thụ của nền kinh tế giảm đáng kể. NHNN ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/4 đạt 2,57% so với đầu năm (+9,4% so với cùng kỳ) − mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2020. Tuy nhiên, xét trong tương quan với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, nhận định đây là điểm đến đầu tư lý tưởng với kinh tế vĩ mô ổn định, dư địa chính sách tài khoá còn lớn, vẫn có tiềm năng tăng trưởng và phát triển, do đó sẽ là yếu tố tạo đà cho TTCK.
Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero – Covid, mở cửa trở lại. Dựa trên kết quả khảo sát, 100% các doanh nghiệp thống nhất đây là yếu tố tác động lớn đến TTCK trong năm nay. Trong đó, 71,4% số doanh nghiệp đánh giá đây là yếu tố tích cực, 28,6% còn lại cho rằng động thái này mang lại cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp đại chúng.
Về mặt tích cực, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Trong năm 2022 khi Trung Quốc thực hiện lockdown, thị trường nước này vẫn chiếm khoảng 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Do đó, việc quốc gia tỷ dân mở cửa trở lại mở ra nhiều kỳ vọng giúp nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy, phần nào giảm áp lực lên chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, tăng sự liên kết giữa nền kinh tế Việt Nam và kinh tế khu vực, chẳng hạn như kết nối cơ sở hạ tầng, logistics… Thứ hai, đây là cơ hội giúp gia tăng về độ an toàn cho lộ trình tăng trưởng. Theo Morgan Stanley, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp tăng trưởng GDP của nước này tăng thêm 0,4 điểm % và theo đó sẽ trực tiếp giúp tăng trưởng GDP thế giới tăng thêm 0,07 điểm %. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ có tác động lan tỏa đến và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và khu vực ASEAN (trong đó có Việt Nam) nói riêng. Đồng thời, động thái này cũng tăng cơ hội về dòng vốn đầu tư, khách du lịch, xuất khẩu… và tăng nhu cầu và giá hàng hóa, dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023.
Về mặt tiêu cực, mặc dù tốc độ tăng trưởng quý I/2023 của Trung Quốc cao hơn dự báo, tuy nhiên, sự khôi phục của nền kinh tế này hiện vẫn chưa đồng đều và chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa. Thêm nữa, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu đối với thị trường này sẽ trở nên khó khăn hơn. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất – nhập khẩu giữaViệt Nam sang Trung Quốc tương ứng đạt 16,4 tỷ USD và 33,3 tỷ USD, giảm 7,9% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2022. Song song với đó, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn, vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng đang tập trung vào thị trường Trung Quốc sau mở cửa, do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam phải thay đổi và thích ứng, cải thiện cơ cấu cũng như chất lượng sản phẩm.
Đẩy mạnh chương trình phục hồi và đầu tư công. Đẩy mạnh đầu tư công vẫn luôn là chất xúc tác cho thị trường trong vài năm trở lại đây. 57,1% số chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát của Vietnam Report tiếp tục đặt niềm tin đây sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp nói riêng và TTCK nói chung. Bộ Tài chính đã công bố kế hoạch ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2023 ở mức 726 triệu tỷ đồng (khoảng 30,5 tỷ USD), cao hơn mức kế hoạch đã sửa đổi cho năm 2022 là 27,2 tỷ USD. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm khi trong 4 tháng đầu năm chỉ ước đạt 14,7% kế hoạch.
Diến biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại. Với quy mô đầu tư lớn, khối ngoại có khả năng tác động đến TTCK thông qua việc mua/bán ròng cổ phiếu, từ đó tạo ra sự dao động mạnh của giá cổ phiếu, ảnh hưởng đến thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư.
Hình 6: Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại
Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Năm ngoái, khi tâm lý tiêu cực lấn át khiến nhóm nhà đầu tư cá nhân bán ròng chủ yếu trên thị trường thì nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng mạnh mẽ khoảng 29.200 tỷ đồng và trở thành điểm sáng của thị trường. Xu hướng mua ròng của khối ngoại chững lại từ giai đoạn cuối tháng 2. Đáng chú ý, từ đầu tháng 4 đến nay, dòng tiền khối ngoại đã đảo chiều sang bán ròng đến hơn 3.500 tỷ đồng trên HoSE, dẫn đến quy mô mua ròng từ đầu năm bị thu hẹp xuống còn chưa đến 2.400 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, mức định giá thị trường P/E đã tăng cao hơn so với mức thấp thời điểm tháng 10 – 11/2022 cộng với đó là xu hướng lãi suất của Việt Nam hiện đang ngược chiều so với thế giới khiến các nhà đầu tư ngoại phần nào e ngại nguy cơ chịu áp lực tỷ giá. Bên cạnh đó, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra tác động lên kinh tế thực cũng như thu hẹp nhu cầu đầu tư, khiến dòng vốn ngoại có thể tiếp tục rút khỏi các quỹ đầu tư. Câu chuyện nâng hạng thị trường – yếu tố được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích giúp chứng khoán Việt Nam hút khối ngoại lỡ hẹn sau nhiều năm cũng phần nào giảm đi động lực của dòng vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, nhìn về mặt tích cực, một số ý kiến cho rằng, với việc các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng quy mô trên 30.000 tỷ đồng trong khoảng 3 tháng từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, đồng thời thị trường cũng tăng gần 30% trong cùng giai đoạn, áp lực chốt lời có xu hướng gia tăng và việc bán ròng diễn ra nhằm một phần cân bằng lại cung cầu nên không quá quan ngại. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 8% trong năm ngoái và dự kiến đạt 6,5% trong năm nay – một trong những điểm sáng của khu vực và thế giới – cũng là cơ sở để đặt niềm tin dòng vốn ngoại vẫn có thể tiếp tục quan tâm tới TTCK Việt Nam. Trong khi đó, với nhiều dự báo về xu hướng tăng lãi suất của FED sẽ chậm lại, tỷ giá VND ổn định sẽ xoa dịu đi những lo ngại của các nhà đầu tư ngoại. Gần đây nhất, thông tin tiếp tục huy động vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam của một số quỹ như Quỹ China Trust Vietnam Opportunity (huy động vốn lần thứ 5, với trị giá tương đương khoảng 163 triệu USD) được kì vọng sẽ mang lại những tín hiệu tích cực hơn về động thái của dòng vốn ngoại đối với TTCK Việt Nam.
Như vậy, bức tranh về dòng vốn ngoại năm nay sẽ là một bức tranh động, đan xen cả tích cực và tiêu cực (theo đánh giá của 71,4% số chuyên gia và doanh nghiệp) và đây cũng là một biến số tác động lớn với TTCK nước ta trong thời gian tới.
Diễn biến thanh khoản trên thị trường trái phiếu: Theo nhận định của các chuyên gia, trước đây quy mô thị trường trái phiếu chưa lớn nên không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường tài chính nói chung, tuy nhiên với quy mô như hiện tại, việc thị trường trái phiếu bị nghẽn làm mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, từ đó dẫn đến các thị trường khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm. Dù thị trường TPDN có những dấu hiệu phục hồi sau nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ nhưng nỗi lo áp lực đáo hạn TPDN cùng với rủi ro thanh khoản, các vấn đề liên quan đến thị trường TPDN và bất động sản vẫn là trở ngại lớn cho toàn thị trường. Giá trị đáo hạn TPDN phát hành riêng lẻ năm 2023 ước tính xấp xỉ 252.000 tỷ đồng, trong đó áp lực đáo hạn sẽ rơi vào quý II, III/2023 với 63,4% tổng giá trị đáo hạn. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thông báo chậm trả nợ TPDN đến hạn vẫn ngày càng tăng.
Xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia. Bối cảnh chung của thế giới giai đoạn hiện nay dự báo sẽ có nhiều biến động, thậm chí có những thay đổi sâu sắc có tính bước ngoặt, mang lại cả cơ hội và thách thức lớn đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chuyển sang giai đoạn mới với những diễn biến khó lường hơn, xét về mức độ và bản chất. Bên cạnh đó, sự kiện gây xáo động toàn thế giới năm qua là xung đột chính trị Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, dự báo sẽ còn nhiều rủi ro tạo ra biến động kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, đây là một trong những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam năm 2023, với sự lựa chọn của 63,4% số doanh nghiệp.
Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. 82,7% số chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm là thách thức lớn nhất đặt ra cho TTCK trong năm nay. Với hàng loạt khó khăn trong ba năm qua và sự gia tăng rủi ro hệ thống tài chính thế giới gần đây sau vụ sụp đổ của các ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế tháng 4 năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm từ kết quả tăng 3,4% trong năm 2022 xuống mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay, thấp hơn so với kết quả tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ gần đây (lần lượt tăng 3,9% và 3,7%). Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn trên thế giới sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu.
Áp lực lạm phát – tỷ giá. Mặt bằng lãi suất tăng nhanh và duy trì ở mức cao trong thời gian dài gây ra nhiều hệ lụy như rủi ro hệ thống tài chính thế giới và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, kéo theo xu hướng thắt chặt tiền tệ của nhiều quốc gia. Điểm sáng là xu hướng tăng lãi suất đã có dấu hiệu chững lại dù vẫn neo ở mức cao. Lạm phát tại Mỹ đạt đỉnh và có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều khả năng FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và lãi suất mục tiêu tới cuối năm 2023 sẽ đạt khoảng 5-5,25%, tương đương với mức tăng 125 điểm cơ bản so với hiện tại. Tốc độ tăng của lãi suất có thể chậm dần kể từ quý II/2023 và ổn định hơn về cuối năm. Một điểm khả quan nữa là đồng VND cũng được nhiều chuyên gia dự báo sẽ ổn định hơn trong năm nay. Lạm phát toàn cầu đang giảm dần cùng với nỗ lực kiềm chế lạm phát trong nước, lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định khiến nhiều doanh nghiệp đánh giá sức ép từ các yếu tố này sẽ giảm bớt trong thời gian tới song vẫn là một yếu tố tiềm năng ảnh hưởng lớn đến TTCK trong nước và cần theo dõi chặt chẽ.
Top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023
Tình trạng tăng trưởng chậm trên toàn bộ các ngành đã được phản ánh qua kết quả kinh doanh Quý I/2023 của các doanh nghiệp đại chúng với tổng lợi nhuận sau thuế giảm 26,3% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh khó khăn chung, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 6 ngành được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tiềm tăng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất bao gồm: Ngân hàng, Sản xuất thực phẩm, Sản xuất & Phân phối Điện, Sản xuất Dầu khí, Du lịch & Giải trí, Dược phẩm, Xây dựng và Vật liệu.
Hình 7: Top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023
Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng quý I/2023 chỉ đạt 2,06%, thấp hơn so với mức tăng 5,04% cùng kỳ 2022 khiến lợi nhuận ngân hàng không đạt kỳ vọng. Các chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định ngành ngân hàng vẫn đối mặt một số thách thức trong năm 2023 do biên lãi thuần có thể suy giảm, áp lực trái phiếu đáo hạn ngày càng tăng, lợi suất danh mục cho vay bị điều chỉnh giảm nhanh hơn theo lãi suất huy động mới… Đặc biệt, điều quan ngại đối với các ngân hàng trong năm nay là rủi ro chất lượng tín dụng suy giảm do doanh nghiệp ở nhiều ngành đang gặp khó khăn tạo áp lực nợ xấu gia tăng trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực hơn của thị trường được kỳ vọng sẽ giảm sức ép lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong các quý sau của năm 2023. Lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và TPDN được Chính phủ triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại trong thời gian tới, từ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ dần cải thiện. Khi lãi suất điều hành giảm, áp lực chi phí huy động của các ngân hàng bớt đi. Mặt khác, lãi suất giảm xuống, người dân, doanh nghiệp cũng mạnh dạn vay vốn hơn. Từ đó, tăng trưởng tín dụng khởi sắc hơn so với giai đoạn đầu năm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang linh hoạt, chủ động tìm kiếm các hướng đi mới để vượt qua khó khăn, chẳng hạn như câu chuyện bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài của một số ngân hàng.
Mặc dù tất cả các ngân hàng đều điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận so với năm 2022 nhưng đây vẫn là ngành có mức điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận ít nhất. Bối cảnh hiện tại khi khó khăn là tình trạng chung của các ngành, ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng có tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng sẽ có nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất trong năm 2023 cao nhất, đạt 75,7%, tăng so với mức 46,2% của năm 2022. Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó, ngành phòng thủ như ngành Điện cũng vươn lên lọt top với 50,0% số chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá có nhiều cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn so với các ngành khác (+19,2% so với kết quả khảo sát cách đây một năm). Đà tăng của nhóm ngành điện bắt đầu từ khi mở cửa sau Covid-19, lượng điện tiêu thụ tăng khi các nhà máy dần đi vào động. Đáng chú ý, Dự thảo Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050) đã chính thức được phê duyệt vào ngày 15/5 vừa qua được nhiều chuyên gia nhận định là động lực thúc đẩy mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp điện. Quy hoạch điện VIII đã xác định điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia. Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp điện thời gian tới. Yếu tố thứ ba khiến các doanh nghiệp tham gia khảo sát có thái độ tích cực đối với các cổ phiếu của ngành điện) đến từ việc giá điện chính thức được điều chỉnh tăng từ ngày 4/5 sẽ tác động đến nhiều nhóm ngành, trong đó, nhiều cổ phiếu ngành năng lượng điện dự đoán sẽ được hưởng lợi.
Ngoài ra, top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023 còn có sự góp mặt của Xây dựng và vật liệu với niềm tin vào việc hưởng lợi trực tiếp từ các dự án đầu tư công của chính phủ và ngành Du lịch & Giải trí với tiềm năng bứt phá mạnh sau Covid-19, đặc biệt là với những biện pháp nới lỏng các quy định nhập cảnh du lịch, cấp thị thực điện tử (e-visa) và lực đẩy từ dòng khách ngoại trong đó có Trung Quốc sau khi quốc gia này mở cửa trở lại.
So sánh với các năm trước, ngành có vốn hóa lớn thứ hai thị trường là bất động sản năm nay đã không còn xuất hiện trong top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất. Theo thống kê, nhóm ngành quản lý và phát triển bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng 37,9% trong quý đầu năm 2023, tuy nhiên, mức tăng trưởng này được cho là ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh những năm trước. Thanh khoản hiện tại của ngành vẫn được đánh giá ở mức thấp, bên cạnh đó, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn rất lớn, riêng trong quý II sẽ đáo hạn 50.000 tỷ đồng. Hiện tại, nhóm ngành này vẫn chưa có tín hiệu tăng trưởng rõ rệt mà vẫn đang trong giai đoạn chuyển mình, tái phân bổ lại các phân khúc cũng như chờ đợi các tác động của chính sách hỗ trợ từ chính phủ, cũng như tác động lan tỏa của đầu tư công. Do đó, thái độ của các doanh nghiệp về triển vọng của cổ phiếu nhóm ngành này cũng thận trọng hơn so với trước.
Nhìn nhận chung về tất cả các ngành trên TTCK, đa số các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report có chung quan điểm rằng kịch bản về một sự đột phá của bất kỳ nhóm ngành nào trên toàn thị trường sẽ khó xảy ra. Top 6 kể trên là những ngành được đánh giá ổn định và có cơ hội có nhiều cổ phiếu khởi sắc hơn so với mặt bằng chung chưa tích cực của các ngành còn lại. Hiện tại, phần lớn đều kỳ vọng lớn vào loạt chính sách hỗ trợ từ các bộ, ban ngành từ các chính sách tài chính cho đến tiền tệ dần thẩm thấu và phát huy hiệu quả để tốc độ tăng trưởng có thể tăng lên từ những quý sau của năm.
Trợ lực từ những chính sách hỗ trợ
Đáng chú ý, đa số các yếu tố được các doanh nghiệp tin tưởng sẽ tạo đà và nâng đỡ cho TTCK năm 2023 liên quan đến các hành động hỗ trợ của chính phủ. Xét các tác động mang tích cực, ngoại trừ yếu tố Trung Quốc mở cửa trở lại (71,4%) và Thị trường lao động đang trên đà phục hồi (52,8%), 4 yếu tố còn lại trong top 6 yếu tố có tiềm năng tác động tích cực nhất đến TTCK trong năm 2023 bao gồm: Tốc độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước tăng, Hoạt động đầu tư công, Thị trường lao động đang trên đà hồi phục, UBCKNN triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng TTCK. Câu chuyện pháp lý, thanh lọc TTCK để có thể phát triển vững mạnh trong dài hạn đã là điểm nổi bật trong năm 2022 và vẫn được đánh giá sẽ là yếu tố quan trọng quyết định đến diễn biến trên thị trường trong năm nay. TTCK được kỳ vọng phục hồi từ những động thái chủ động và quyết liệt của Chính phủ và NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, khơi thông dòng vốn mang lại sự ổn định cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và TTCK nói chung.
Từ đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam đã 2 lần hạ lãi suất điều hành cũng như ban hành một số chính sách mới hỗ trợ thị trường TPDN, thị trường bất động sản cũng như toàn nền kinh tế. Khi yếu tố pháp lý là rủi ro lớn nhất trên thị trường tín dụng, nhiều cơ sở tạo tiền đề cho thị trường TPDN dần khôi phục trở lại. Một loạt chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Thông tư 02 của NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ vay, hay Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên TTCK. Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ về TPDN và sắp tới là Thông tư 16 sửa đổi sẽ giải quyết điểm nghẽn của thị trường TPDN, giải tỏa nguy cơ gia tăng nợ xấu.
Thực tế, thời gian qua, thị trường cũng đã dần có những tín hiệu tích cực khi những hỗ trợ quyết liệt về chính sách của Chính phủ và NHNN cho thị trường TPDN lẫn thị trường bất động sản dần thẩm thấu và hỗ trợ thanh khoản trên thị trường. Điển hình là sau bước đi linh hoạt 2 lần hạ lãi suất của NHNN vào giữa và cuối tháng 3, mặc dù với mức giảm không quá lớn 0,5% nhưng lại cho thấy một thông điệp mạnh mẽ về việc cần phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, TTCK trong nước ghi chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 8/2021. Hay cuối tháng 4 vừa qua, sau loạt chính sách được ban hành, thanh khoản thị trường cũng đã trở lại mức dương.
Thời gian tới, để thúc đẩy TTCK phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 5 giải pháp trọng tâm cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
Hình 8: Top 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ TTCK của Chính phủ
Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023
Có 92,3% số chuyên gia và doanh nghiệp thống nhất đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TTCK. Một khung pháp lý mạnh mẽ giúp duy trì sự ổn định của thị trường bằng cách giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố thị trường và giảm thiểu tác động của chúng. Các quy định có thể bao gồm các cơ chế giám sát và điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tài chính, chẳng hạn như ngân hàng và các công ty đầu tư, để ngăn chặn việc chấp nhận rủi ro quá mức và đảm bảo sự ổn định tổng thể của hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, khung pháp lý vững mạnh sẽ nâng cao sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Một môi trường minh bạch, được quản lý sẽ khuyến khích dòng vốn chảy vào, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận các cơ hội đầu tư toàn cầu.
Năm 2022, những sai phạm trên TTCK bắt đầu bị phanh phui và cơ quan quản lý đã có những hành động quyết liệt trong việc làm lành mạnh, thanh lọc và ổn định thị trường. Sang năm 2023, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững cho TTCK, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường, thực hiện các đợt thanh, kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây là giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ thị trường khỏi gian lận, thao túng và các hành vi không công bằng. Mặc dù giải pháp này có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến thị trường và tâm lý chung của nhà đầu tư song về dài hạn, đây sẽ là yếu tố xây dựng TTCK Việt Nam phát triển an toàn để tiến tới mục tiêu nâng hạng thị trường.
Đối mặt với nhiều vấn đề lớn cần xử lý, đây là năm bản lề để thị trường ổn định dần, hướng đến các cột mốc cao hơn sau những hành động quyết liệt của các cơ quan quản lý trong việc làm lành mạnh, thanh lọc và ổn định thị trường để TTCK có những sự phát triển minh bạch hơn trong tương lai; cơ sở hạ tầng, khung pháp lý của thị trường được hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, tiếp nối những bước đi linh hoạt về chính sách thời gian qua, các doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng Chính phủ tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy thị trường phát triển, cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thúc đẩy triển khai các giải pháp: tăng cường giám sát các công ty chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai các sản phẩm mới, đảm bảo thị trường hoạt động thông suốt, an toàn và phát triển thị trường giao dịch TPDN thứ cấp minh bạch để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam.
Năm 2023 là một năm TTCK còn nhiều thách thức lớn cần giải quyết. Tuy nhiên, không thể phủ định những điểm sáng và cơ hội mới trên thị trường. Dù được dự báo không quá hứa hẹn để có một câu chuyện mang tính đột phá cho triển vọng TTCK ở thời điểm hiện tại, song với các yếu tố hỗ trợ cả từ trong và ngoài nước, sự thích ứng linh hoạt và chủ động của các doanh nghiệp và đặc biệt là trợ lực rất lớn từ phía Chính phủ với những động thái sát cánh, đồng hành, tháo gỡ các nút thắt còn tồn đọng, TTCK có cơ sở để kỳ vọng trưởng thành hơn trong thời gian tới.
Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report. Kế thừa thành quả nghiên cứu từ bảng xếp hạng top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín đã được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản – Xây dựng, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics…
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam.
Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 04/2022 đến tháng 03/2023, đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường… tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).
Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.
Lễ công bố Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023 dự kiến diễn ra vào tháng 7/2023 tại Thành phố Hà Nội.
Website: top50vietnam.net
Vietnam Report